Tin tức

Phát triển điện gió, mặt trời, điện khí ở Việt Nam - Đề xuất cơ chế trước mắt và chính sách dài hạn

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 
- Từ các nội dung tham luận và các ý kiến thảo luận, phản biện tại Hội thảo quốc tế “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam” do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo - Bộ Công Thương, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức mới đây tại TP. HCM, Ban tổ chức Hội thảo vừa có Văn bản báo cáo tổng hợp kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương về cơ chế, chính sách phát triển các nguồn điện này trong thời gian sắp tới.

I. Tình hình phát triển nguồn điện khí, điện gió, mặt trời ở Việt Nam:

1/ Điện khí trong nước và khí LNG nhập khẩu là bước chuyển tiếp tất yếu trong quá trình chuyển dịch đến cân bằng phát thải carbon bằng không. Ưu điểm của điện khí là giảm thiểu phát thải CO2 và các chất ô nhiễm, có khả năng thay đổi công suất tải nhanh đáp ứng điều tiết, điều độ vận hành hệ thống khi tỷ lệ NLTT lên cao. Chính phủ cần xem xét quy hoạch các trung tâm nhiệt điện LNG lớn, liên kết chuỗi giá trị LNG (khí, điện, cảng biển) để có giá khí sau tái hóa khí và giá điện ở mức hợp lý. Các hợp đồng cung cấp khí phải có khối lượng lớn (cho cả cụm trung tâm nhiệt điện) và dài hạn, để tăng khối lượng, giảm giá thành và ổn định trong vận hành và tiêu thụ.

2/ Hiện tại, hệ thống điện có 15 nhà máy điện khí với tổng công suất khoảng 8.000 MW đang được vận hành. Tuy nhiên, sản lượng khí tại các mỏ đang suy giảm, trong khi nhu cầu sử dụng khí đốt tăng cao. Nhiều năm qua chưa có dự án điện khí nào được đầu tư đi vào hoạt động. Công nghệ kho vận và chế biến khí LNG phức tạp, có bản quyền, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, phải phát triển theo chuỗi dự án nên vốn lại càng lớn hơn. Cơ chế giá khí cần được ban hành hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

3/ Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần có các nhà máy điện IPP dùng vốn đầu tư nước ngoài, từ các ngân hàng quốc tế. Do đó, cần khung pháp lý, các quy định vững chắc và hợp đồng PPA có thể thuyết phục được các ngân hàng, tổ chức cho vay vốn. Các nhà đầu tư dự án điện khí kiến nghị cần có bảo lãnh tỷ giá hối đoái, bảo lãnh Chính phủ cho trách nhiệm của các bên mua bán điện, bao tiêu một phần sản lượng điện (lên tới90% sản lượng điện).

4/ Mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ, các loại nguồn điện gió, mặt trời và điện khí gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Quy hoạch chưa quản lý hiệu quả, không đồng bộ. Thời gian cấp phép đầu tư kéo dài. Đến nay chưa có quy hoạch không gian biển cho điện gió ngoài khơi. Về công nghệ, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Sự phát triển mạnh của điện gió, mặt trời dẫn đến mất cân đối nguồn - tải. Rủi ro tài chính phụ thuộc vào cơ chế giá, năng lực quản lý vận hành. Vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng luôn là thách thức lớn cho các dự án.

5/ Quá trình đầu tư phát triển trang trại điện gió ngoài khơi có thể kéo dài từ 7 - 11 năm (bao gồm các giai đoạn phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử). Do đó, cần một khung pháp lý phù hợp (bao gồm tầm nhìn chiến lược, bàn giao không gian biển, kết nối lưới, ưu đãi thuế, khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng).

6/ Trong ba năm (2019 - 2021) công suất đặt của hệ thống điện tăng mạnh (18%/năm), chủ yếu là các nguồn điện gió và mặt trời. Tỷ lệ NLTT cao đã tạo ra những thách thức cho sự ổn định của lưới điện. Đó là quán tính hệ thống thấp, nghẽn đường truyền tải, dư thừa công suất NLTT, lỗi dự báo sai lệch lớn, nguy cơ lỗi đi qua (FRT - Fault Ride Through) và tỷ xuất dòng ngắn mạch (SCR - Short Circuit Ratio) giảm thấp gây mất ổn định.

7/ Về điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị hệ thống điện mặt trời mái nhà. Chưa có quy định việc giám sát, điều khiển các hệ thống ĐMTMN, do đó, cấp điều độ không thể chỉ huy vận hành. Chưa có sự thống nhất về hướng dẫn PCCC, sử dụng đất, an toàn xây dựng, tác động môi trường, đăng ký kinh doanh. Các ảnh hưởng của ĐMTMN đến chất lượng điện năng (điện áp, sóng hài, nhấp nháy điện áp) cần được nghiên cứu và có biện pháp khắc phục. Đặc biệt là cơ chế giá mua điện mặt trời và điện gió đã hết hiệu lực, nhưng chưa có cơ chế giá mới thay thế và chuyển tiếp.

II. Nhận định các thách thức liên quan về cơ chế, chính sách:

1/ Những thách thức trong phát triển điện khí:

Theo các chuyên gia nước ngoài, điện khí trong nước và khí LNG nhập khẩu là bước chuyển tiếp tất yếu trong quá trình chuyển dịch đến phát thải carbon bằng không. Ưu điểm của điện khí là giảm thiểu phát thải CO2 và các chất ô nhiễm, có khả năng thay đổi tải nhanh đáp ứng điều tiết khi tỷ lệ NLTT lên cao. Đến nay đăng ký điện khí thì nhiều, nhưng nhiều năm không có dự án điện khí nào đi vào vận hành.

Muốn bán điện ở mức 8 - 9 cent/kWh thì giá LNG phải ở mức bằng, hoặc dưới 12 USD/MMBTU và sản lượng điện bao tiêu Qc phải 80 - 90%. Phải ký hợp đồng dài hạn, khối lượng lớn mới có thể có giá khí LNG hợp lý, ít bị chi phối bởi những biến động địa chính trị. Giá khí phải được chuyển ngang sang giá điện khi có thay đổi trên thị trường khí. Nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ cho khoản vay, bảo lãnh tỷ giá và chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh các khoản thanh toán của bên mua điện.

2/ Những thách thức trong phát triển điện gió và điện mặt trời:

Mức giá FIT đưa ra cho điện mặt trời (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg) và điện gió (theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg) đã hết hạn áp dụng. Cần phải có khung giá điện cho NLTT càng sớm càng tốt.

Những trở ngại về kỹ thuật vận hành hệ thống khi nguồn NLTT tích hợp ngày càng cao với nhiều yếu tố thiếu ổn định, đòi hỏi tăng cơ cấu nguồn dự phòng linh hoạt như điện khí và lưu trữ.

III. Đề xuất, kiến nghị:

1/ Đối với các dự án điện khí:

- Để phát triển tốt điện khí cần xem xét quy hoạch các trung tâm nhiệt điện LNG lớn, liên kết chuỗi giá trị LNG (khí, điện, cảng biển) để có giá khí sau tái hóa khí, giá điện ở mức hợp lý. Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành khung biểu giá điện khí LNG, tỷ lệ bao tiêu và đồng ý chuyển ngang giá khí sang giá điện, hoặc có chỉ đạo rõ ràng về vấn đề này.

- Chính phủ cần có chính sách dứt khoát về vấn đề bảo lãnh của Chính phủ cho khoản vay, bảo lãnh tỷ giá và chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh các khoản thanh toán của bên mua điện đối với phát triển điện khí, công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.

- Các nhà đầu tư vẫn có thể có được giá nhập khẩu khí LNG tốt, cạnh tranh với các nhiên liệu hoá thạch khác khi các nhà đầu tư ký các hợp đồng dài hạn về khí LNG. Vì vậy, Chính phủ cần tạo điều kiện về chính sách nêu trên để nhà đầu tư có cơ sở ký các hợp đồng dài hạn nhập khẩu LNG và vay vốn đầu tư xây dựng.

2/ Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời:

- Cần có khung giá mua điện cho các dự án điện mặt trời và điện gió càng sớm càng tốt, vì giá FIT hết hạn quá lâu, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng nguồn điện mà không bán được điện, hệ thống điện có nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần. Các doanh nghiệp mới không dám đầu tư. Chính sách giá phải có tính dài hạn, điều chỉnh phù hợp với thị trường sao cho các nhà đầu tư có thể tính toán trước được rủi ro.

Trước mắt, đề nghị khẩn trương ban hành cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) thí điểm và cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án trên cơ sở ban hành khung giá mua điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió làm cơ sở cho EVN, cũng như nhà đầu tư đàm phán hợp đồng PPA.

- Tiếp tục cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng, không phát (không bán điện) lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Công Thương cần phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời mái nhà tự dùng để không ảnh hưởng đến lưới điện khi các doanh nghiệp và nhân dân lắp điện mặt trời tự dùng.

  • Điện gió ngoài khơi đòi hỏi thời gian phát triển rất dài. Do đó, để có 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như dự thảo Quy hoạch điện VIII, cần phải có quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy định pháp lý rõ ràng về khảo sát, bàn giao mặt biển cho nhà đầu tư, quy hoạch lưới điện truyền tải tập trung cho điện gió ngoài khơi.

3/ Về các nội dung khác liên quan chung điện gió, mặt trời và điện khí:

  • Công tác giải phóng mặt bằng vẫn luôn là khó khăn đối với cả điện khí, điện gió và điện mặt trời. Cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, trong đó có quy trình rõ ràng, minh bạch, có thể chấp nhận được đối với cả chủ đầu tư lẫn người sử dụng đất, trong đó phân biệt các loại hình đền bù thu hồi đất vĩnh viễn, đền bù hỗ trợ hạn chế sử dụng đất, đền bù tạm thời trong quá trình xây dựng.

- Cần phải cân đối phát triển các nguồn điện khác nhau. Hiện tại, tỷ lệ NLTT cao đã tạo ra những thách thức cho sự ổn định của lưới điện. Cần có quy định về dịch vụ phụ trợ lưới điện để khuyến khích đầu tư vào dịch vụ như thủy điện tích năng, pin lưu trữ, nâng cấp lưới điện, cũng như khuyến khích ngành giao thông chuyển đổi sang sử dụng xe điện, trạm sạc điện thì mới có thể tăng thêm tỷ lệ NLTT và hiệu quả của nguồn NLTT.

  • Cần xây dựng cơ chế, hoặc đưa vào các điều kiện ràng buộc đối với các nhà phát triển dự án về yêu cầu khuyến khích nội địa hóa sản phẩm và dịch vụ, khuyến khích hợp tác giữa các nhà cung cấp trong nước và các nhà phát triển dự án nước ngoài.

[Trích Tạp Chí Năng Lượng Việt Nam]

logoHỖ TRỢ 24/7Liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ giá tốt nhất

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN & ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG 360

Địa chỉ: 478/1C Điện Biên Phủ, P. Thanh khê Đông, q. Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng

VPGD: 478/1C Điện Biên Phủ, P. Thanh khê Đông, q. Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng

Điện thoại : 08 9999 0360 - 0932 478 360

Email: cc.pac360@gmail.vn - info@pac360.vn

Mã số thuế : 0402037313

icon zalo
messenger facebook

08 9999 0360

Don't have an account yet? Register Now!

Sign in to your account