Những góc nhìn về nội địa hoá chuỗi cung ứng trong quá trình phát triển điện gió ở Việt Nam
- Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có thể xây dựng dựa trên nền tảng kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi có sẵn của Việt Nam. Bên cạnh đó, cảng biển Vũng Tàu, Hải Phòng là nơi tập trung các công xưởng chế tạo đóng tàu và thiết bị siêu trường, siêu trọng hoạt động trên biển được thẩm định chứng chỉ quốc tế. Vì thế, đối tác nước ngoài có thể hoàn toàn yên tâm đầu tư, chuyển giao công nghệ và nội địa hóa sản phẩm cơ khí chế tạo tại Việt Nam.
-
Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 (Vietnam Wind Power 2022) vừa được tổ chức trong hai ngày (từ ngày 1-2/12/2022), tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của đại diện: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Đại sứ quán các nước: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh; các nhà phát triển dự án, nhà cung cấp, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Hội nghị trên do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức. GWEC là một tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực điện gió và đại diện cho hơn 1.500 doanh nghiệp, tổ chức thành viên ở hơn 80 quốc gia trên thế giới. GWEC làm việc với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước để góp phần xây dựng môi trường chính sách tốt hơn cho ngành năng lượng gió, thông qua việc chia sẻ về thông tin, thị trường, hỗ trợ hoạt động xây dựng năng lực, tổ chức hội thảo, truyền thông…
Trao đổi tại tọa đàm về nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi, các chuyên gia cho biết: Việc đề xuất mục tiêu đạt 7 GW công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi vào năm 2030 thể hiện trong bản dự thảo Quy hoạch điện 8 mới nhất, Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ và loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hiện tại, chỉ còn 8 năm để thực hiện mục tiêu đề xuất trên, vì vậy, có rất nhiều hạng mục công việc cần được tiến hành sớm nhất có thể.
Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra các yếu tố chính cần được giải quyết bao gồm: Quy trình cấp phép rõ ràng, cần phối hợp liên ngành và sắp xếp hợp lý để đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn, cơ chế mua bán điện đơn giản và linh hoạt.
Bên cạnh đó, nhà nước cần có phương pháp tiếp cận quy hoạch không gian biển rõ ràng và cải thiện khả năng vay vốn trong Hợp đồng mua bán điện (PPA), nhằm tăng sự hấp dẫn với tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế.
- Tọa đàm về nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.
-
Bên cạnh chia sẻ những kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, cũng như những mảnh ghép còn thiếu để điện gió ngoài khơi Việt Nam phát triển, các chuyên gia đã đóng góp nhiều giải pháp thiết thực trong việc giải tỏa các dự án điện gió chưa kịp giá FIT còn lại.
Đối với các dự án đã đưa vào vận hành, các chủ đầu tư và tổng thầu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thi công, lắp đặt, vận hành, bảo trì cho các dự án điện gió trên đất liền và gần bờ ở Việt Nam.
Trao đổi tại phần tọa đàm về hiện trạng và tiềm năng của chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, ông Phạm Quốc Sỹ - Giám đốc kỹ thuật của IPC Group (thành viên của GWEC) chia sẻ: Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có thể xây dựng dựa trên nền tảng kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi có sẵn của Việt Nam trong hơn 35 năm nay, có thể tự sản xuất và lắp ráp các thiết bị hạng nặng và quá khổ. Cụ thể như dự án chế tạo giàn khoan tự nâng Jack-up Tam Đảo 05 (năm 2017) của Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard). Loại giàn Jack-up này có thể sử dụng lắp ráp điện gió ngoài khơi ở độ sâu hơn 200 m nước.
Bên cạnh đó, cảng biển Vũng Tàu và Hải Phòng là nơi tập trung các công xưởng chế tạo đóng tàu và thiết bị siêu trường, siêu trọng hoạt động trên biển được thẩm định chứng chỉ quốc tế. Vì thế, đối tác nước ngoài có thể hoàn toàn yên tâm đầu tư, chuyển giao công nghệ và nội địa hóa sản phẩm cơ khí chế tạo tại Việt Nam như ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã triển khai lâu nay.
Ngoài ra, nhà nước cần vạch ra lộ trình phát triển và chính sách rõ ràng, phù hợp với năng lực của các đơn vị trong nước. Về bài toán nội địa hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của các nước đi trước trong ngành điện gió ngoài khơi có thể giúp cải thiện an ninh năng lượng của Việt Nam, với các chi phí cạnh tranh hơn và tạo ra nhiều việc làm có chất lượng.
“Phải mất thời gian 6 - 8 năm để hoàn thành một trang trại điện gió ngoài khơi đưa vào vận hành, vì thế, việc ban hành chính sách và quy định cần được khẩn trương, minh bạch để đảm bảo mục tiêu đưa vào vận hành 7 GW vào năm 2030. GWEC đã khuyến nghị cần thành lập một Ủy ban Liên bộ, ngành để hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong các quy trình cấp phép đầu tư, khảo sát thăm dò và xây dựng dự án điện gió ngoài khơi thí điểm (khoảng 4 GW) nhằm tạo cú huých cho sự phát triển của ngành này, trước khi chuyển sang cơ chế đấu thầu” - Ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của GWEC nhấn mạnh./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM