Các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng được chuyên gia gợi ý Việt Nam ứng dụng có thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
Khuyến nghị được các chuyên gia nêu tại diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 sáng 29/6.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng phát triển công nghệ thân thiện môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng. Việc ứng dụng công nghệ năng lượng tiên tiến góp phần giải quyết bài toán nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của Việt Nam; giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Thứ trưởng, các giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch bền vững đang góp phần giảm thiểu năng lượng nhập khẩu và giảm phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch. Trong đó, năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng... là những giải pháp cần ưu tiên phát triển.
Tại diễn đàn, nhiều giải pháp công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng và môi trường được các diễn giả là đại diện tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ. Các giải pháp tập trung vào công nghệ thay thế lò hơi đốt than bằng tuabin khí, tái chế pin năng lượng mặt trời và kiểm soát vận hành chất thải thành năng lượng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).
TS Phạm Quang Vinh, CEO Siemens Energy giới thiệu công nghệ tua bin khí đốt hydro ứng dụng sản xuất hydro xanh và tái điện khí hóa, thu hồi carbon. Công nghệ này ứng dụng trong lưu trữ năng lượng. Đặc trưng của thiết bị trên nền tảng Silyzer 300 cho thấy sản xuất hydro tới 333kg/giờ với hiệu quả nhà máy lớn hơn 75,5%. Với mẫu tuabin khí công suất 50Hz với phương pháp trộn SGT5-9000, lượng phát thải giảm khí CO2 xuống còn 23%.
Đơn vị từ Hàn Quốc chia sẻ giải pháp Zero4 nhằm đánh giá tối ưu công nghệ hóa lò đốt thông qua AI, ứng dụng trong kiểm soát vận hành rác thải thành năng lượng. Phương pháp này dựa vào thông tin dữ liệu thu thập bởi các cảm biến thông minh kết hợp với phân tích của AI để phán đoán thời gian đưa rác vào lò, khối lượng và điều phối nhiệt độ của lò đốt. Đại diện đơn vị này cho rằng, giải pháp hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam nhằm vận hành lò đốt hiệu quả.
Diễn giả Maruono Eri, đại diện công ty Hamada (Nhật Bản) cho rằng cần quan tâm tới công nghệ xử lý tấm pin năng lượng mặt trời. Dự báo đến năm 2040 có khoảng 40 triệu tấm, tương đương 800.000 tấn pin mặt trời thải ra ngoài môi trường. Hiện các công ty Nhật Bản đã xây dựng hệ thống tái sử dụng hoặc tái chế tấm pin mặt trời đã qua sử dụng. Công nghệ xử lý đưa ra nhằm tách đồng thời khung nhôm và tấm màng EVA, lớp kính bảo vệ hay vật liệu kim loại giúp không bị lẫn chất trên bề mặt. Các tế bào quang điện được nghiền nhỏ, loại bỏ các chất gây hại, góp phần giảm chất thải ra ngoài môi trường.
Các chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương, cho biết việc nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 47% vào năm 2030 cũng được đưa ra trong chiến lược Quy hoạch điện VIII. Mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Tuy nhiên, ông nhắc tới tính bất định của năng lượng tái tạo, cho rằng cần có các cơ chế khuyến khích dự án đầu tư, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, định hướng phát triển ngành công nghệ năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp có chứng nhận công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất pin, tấm pin năng lượng mặt trời... được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, tập trung làm chủ công nghệ mới về năng lượng như hydro, lưu trữ carbon, pin...
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt gần 20.700 MW đến cuối năm 2021, chiếm gần 30% tổng công suất đặt nguồn điện. Trong 4 tháng đầu năm, loại năng lượng này được huy động gần 13,2 tỷ kWh, chiếm 15,4% lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 70% số này là nguồn từ điện mặt trời và 30% từ điện gió. Tuy nhiên nguồn năng lượng tái tạo phân bổ không đều, tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên từ năm 2017. Diễn đàn năm nay nằm trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm quốc tế Công nghệ năng lượng môi trường (Entech Hà Nội), do UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức. Triển lãm thu hút hơn 5.000 lượt xem và có sự tham gia của hàng trăm đại biểu, thảo luận chính sách, giải pháp công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả các năng lượng truyền thống, giải pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ năng lượng và môi trường hướng tới công nghệ xanh, sạch.
Nguồn: https://vnexpress.net/